Thông tin chung
- Loại và cấp công trình: Công trình hạ tầng kỹ thuật cấp II
- Cơ quan quyết định đầu tư: Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ
- Tên chủ đầu tư:
- Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập.
- Địa chỉ: Khu hành chính, TT. Lâm Thao, H. Lâm Thao, Tỉnh Phú Thọ
- Văn phòng đại diện: Số 3010, đại lộ Hùng Vương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
- Điện thoại liên hệ: 0210.3854888.
- Địa điểm xây dựng: Huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ.
- Nguồn vốn đầu tư: Vốn tự có của doanh nghiệp, vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác.
- Thời gian thực hiện: Bắt đầu thực hiện từ năm 2018, tính đến tháng 9/2019 toàn bộ việc san lấp hạ tầng và xây dựng đường giao thông giai đoạn 1 của cụm công nghiệp đã được hoàn thành. Phần mở rộng 25ha của giai đoạn 2 đang được thực hiện và dự kiến hoàn thành trong năm 2020.
Vị trí và Quy mô
- Vị trí địa lý như sau:
- Phía Bắc thuộc xã Chí Tiên, giáp khu vực rừng Thắm.
- Phía Nam thuộc xã Sơn Cương, giáp khu vực dân cư.
- Phía Đông giáp tuyến đường liên xã Sơn Cương – Đông Thành
- Phía Tây giáp khu vực đồi núi và ruộng trũng.
- Quy mô:
- Quy mô nghiên cứu có diện tích: 745.580 (m2)
- Đất nhà máy kho tàng: 580.668 (m2)
- Đất hạ tầng kỹ thuật: 8.510 (m2)
- Đất công cộng ( quản lý, dịch vụ): 11.403 (m2)
- Đất giao thông: 70.202 (m2)
- Đất cây xanh cách ly: 74.797 (m2)
Quy hoạch
Thanh Ba là huyện miền núi phía Bắc tỉnh Phú Thọ, cách thành phố Việt Trì 45km; với tổng diện tích tự nhiên 19.484,90 ha (Niên giám thống kê năm 2015) với 26 xã, 1 thị trấn, dân số tính đến 31/12/2015 là 117.133 người.
Trong những năm qua Thanh Ba đã có bước chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội, nhất là việc xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn như: Điện, đường, trường, trạm, chợ …, Vấn đề chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn đang tạo ra bước đột phá trong nông nghiệp dần dần thay đổi căn bản nếp nghĩ, cách làm cũ trong sản xuất nông nghiệp ở nông thôn, tạo ra các vùng sản xuất hàng hoá, chế biến nông sản, các khu thị tứ…. Trên địa bàn huyện có mạng lưới giao thông tương đối hoàn chỉnh, trong đó tuyến đường 320C nối trung tâm huyện với đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai tại điểm nối IC9. Tại địa bàn huyện có Trung tâm dạy nghề Thanh Ba là cơ sở đào tạo, cung cấp nguồn lao động có tay nghề đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Với vị trí đầu mối giao thông thuận lợi, nằm ở trung tâm vùng phía Tây Bắc của tỉnh, với tiềm năng và sự tăng trưởng kinh tế xã hội khá nhanh trong những năm qua, huyện Thanh Ba đang nỗ lực tập trung phát triển kinh tế và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị để trở thành một trung tâm kinh tế – xã hội vùng phía Tây Bắc của tỉnh Phú Thọ. Hiện tại, thị trấn Thanh Ba là đầu mối giao lưu kinh tế đặc biệt quan trọng của các miền núi phía Bắc của tỉnh Phú Thọ.
Đồ án Quy hoạch CCN Bãi Ba – Đông Thành, huyện Thanh Ba nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển các khu, cụm CN-TTCN tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2484/2007/QĐ -UBND ngày 01/10/2007. Trong Thông báo kết luận số 1406-TB/TU ngày 29/8/2014 của Tỉnh ủy Phú Thọ về kết quả kiểm tra thực hiện Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 có nêu rõ một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới: “Tập trung xây dựng quy hoạch chi tiết một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp có điều kiện thuận lợi về giao thông để triển khai trước và kêu gọi các nhà đầu tư; nghiên cứu bố trí nguồn lực đầu tư hạ tầng cơ bản, kết cấu hạ tầng các KCN, cụm công nghiệp từ ngân sách nhà nước…”
Với định hướng phát triển nêu trên, CCN Bãi Ba được đánh giá là một trong những khu công nghiệp, cụm công nghiệp trọng tâm được ưu tiên phát triển trong tỉnh. Với lợi thế thuận lợi về giao thông, với tiềm năng và sự tăng trưởng kinh tế xã hội khá nhanh trong những năm qua của huyện Thanh Ba, cùng với nguồn lao động dồi dào có thể cung cấp cho các doanh nghiệp và việc đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ tại cụm công nghiệp, CCN Bãi Ba thực sự là điểm dừng chân lý tưởng cho các nhà đầu tư.
Ngành nghề thu hút đầu tư
- Chế biến lâm sản: Sản xuất gỗ ván ép, đồ mộc dân dụng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu
- Công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm: Chế biến chè, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng chế biến chè phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu
- Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng: May mặc, đan lát, hàng thủ công mỹ nghệ, hóa mỹ phẩm.
- Các ngành công nghiệp phụ trợ, thân thiện với môi trường.